Góc nhìn: Giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam dự báo tăng nhẹ trong ngắn hạn

  1. Ngày đăng: 15-05-2020 13:31:45
  2. Lượt xem: 962
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 962 Lượt xem

(15/5/2020) Góc nhìn: Giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam dự báo tăng nhẹ trong ngắn hạn

Yếu tố hỗ trợ giá điều

Theo dự báo của Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn nhờ các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều và Trung Quốc đang dần phục hồi kinh tế.

Tại Trung Quốc, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt, chính phủ nước này vẫn tăng cường các biện pháp quản lý để phòng chống dịch bệnh ở khu vực cửa khẩu biên giới, bao gồm áp dụng quy trình khử trùng nghiêm ngặt đối với phương tiện vận tải… Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo "luồng xanh", chủ yếu là bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm. Các mặt hàng này sẽ được hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá nông sản sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao mua hàng để dự trữ vì lo ngại đại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi đó, việc Ấn Độ kéo dài chính sách cách ly xã hội đến hết ngày 17/5 khiến hoạt động chế biến điều thô tại các nhà máy bị gián đoạn. Liên đoàn Công nghiệp điều Ấn Độ cho biết khoảng 15.000 tấn hạt điều thô đang tồn đọng tại các nhà máy chế biến trên khắp cả nước. Theo Cục chế biến, đây là yếu tố thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu điều nhân của Việt Nam, người mua điều nhân trên thế giới sẽ chuyển sang thu mua điều nhân của Việt Nam khi nguồn cung từ Ấn Độ bị hạn chế.

goc nhin  gia xuat khau dieu nhan cua viet nam du bao tang nhe trong ngan han

Các doanh nghiệp chế biến nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Ảnh: Thanh Long.

Không nên ký hợp đồng xa dù giá điều tăng

Tại Việt Nam, giá điều nguyên liệu có xu hướng phục hồi trong tháng 4. Cụ thể, giá điều khô mua xô tại Đắk Lắk ổn định ở 29.000 đồng/kg trong cả tháng. Tại Bình Phước, giá hạt điều nguyên liệu tăng từ 24.000 đồng lên 28.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá điều nhân tháng 4 cũng tăng 330 – 440 USD/tấn với loại W320 và mã W240 tăng. Tại châu Âu, giá điều W240 dao động từ 6.944 – 7.275 USD/tấn, giá điều W320 từ 6.062 – 6.618 USD/tấn và giá điều W450 từ 5.511 – 6.062 USD/tấn. Tại châu Phi, giá điều cho đơn hàng giao tháng 5, tháng 6 của mã W180 là 8.700 USD/tấn, mã W210 là 8.200 USD/tấn, mã W240 là 7.800 USD/tấn và mã W320 là 7.300 USD/tấn. Mặt hàng điều vỡ nhỏ mã SP hầu như không bán được vì hiện tại giá điều nhân quá rẻ. 

Hiện một số khách hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể do lo ngại việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể gặp khó khăn, cước tàu vận tải tăng. Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều không nên ký hợp đồng xa khi chưa mua được điều thô do khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá có thể tăng trở lại. Hơn nữa, rủi ro sẽ rất cao nếu các nhà chế biến cố gắng mua điều thô từ châu Phi trong khi không có hợp đồng điều nhân hoặc phương án tính toán để bán lại. Hiệp hội khuyến nghị doanh nghiệp chỉ mua điều thô khi có thể bán điều nhân với ngang giá.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp chế biến nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, theo hiệp hội. Trước đó, các nhà máy chế biến cũng được khuyến nghị không nên bán tháo hàng khi giá xuống thấp.

Hạt điều là một trong hai nông sản ghi nhận xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm nay đạt 137.000 tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất. Xuất khẩu tăng mạnh nhất tại thị trường Arab Saudi (gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), ngược lại, thị trường ghi nhận giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Trung Quốc (giảm 46,7%).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá xuất khẩu hạt điều giảm, ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỷ USD, theo Bộ Công Thương. 

Thanh Long
Nguồn: NDH

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin