Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Ngày đăng: 13-11-2024 15:13:12
- Lượt xem: 202
(24/9/2024) Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
Anh Nguyễn Văn Lĩnh, một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là "nhà khoa học của nhà nông". Nhiều sáng chế, sáng kiến khoa học, chế tạo máy nông nghiệp của anh Lĩnh đã được nông dân, người dân sử dụng rộng rãi trong sản xuất.Thật vậy, Quyết định số 841-QĐ/HNDTW ngày 17/9/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, về việc tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ V năm 2024 thể hiện: Hội viên nông dân Nguyễn Văn Lĩnh - thường trú tổ 6, khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, là một trong 56 cá nhân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tôn vinh.
Máy phun thuốc trừ sâu "2 trong 1" do anh Nguyễn Văn Lĩnh (bìa phải), nông dân khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chế tạo. Ảnh: T.L
Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho hay: Hội viên Nguyễn Văn Lĩnh là một nông dân cần cù, chăm chỉ, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong trồng điều, cao su…
Mặc dù trình độ học vấn mới lớp 10; thế nhưng, sau thời gian "học lỏm" nghề thợ điện, nghề cơ khí từ bạn bè, cộng với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, anh Lĩnh quyết tâm làm điều gì đó để giúp bà con nông dân bớt đi nỗi vất vả.
Anh Lĩnh đã nghiên cứu, chế tạo hàng loạt máy móc, nông cụ có ích cho ngành nông nghiệp. Rất nhiều sản phẩm do anh Lĩnh chế tạo, có giá cả cạnh tranh hơn nhiều, so với sản phẩm cùng loại được bán trên thị trường.
Đơn cử một số máy móc có tiếng, do anh Lĩnh sáng chế như: Máy phun thuốc bảo vệ thực vật "5 trong 1"; thiết bị dùng để bơm chất lưu có độ nhớt (chẳng hạn như mủ cao su, bùn lỏng hoặc chất lưu tương tự); máy thổi lá cao su chống cháy trong mùa khô; máy phát cỏ trục băm; máy phun thuốc cải tiến (với kích thước nhỏ gọn, chuyên dùng trong các vườn sầu riêng)…
Anh Nguyễn Văn Lĩnh (bìa phải), nông dân sáng chế máy nông nghiệp nổi tiếng ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang giao chiếc máy phun xịt "5 trong 1" cho khách hàng ở Đồng Nai đặt mua. Ảnh: H.N.D.
Là người con của miền đất đỏ cao su tỉnh Bình Phước; cây cao su gắn với anh Lĩnh như một định mệnh. Gia đình có 10 ha đất trồng cao su; bức xúc vì gia đình phải tốn tiền thuê nhiều nhân công làm đủ mọi việc như: cạo mủ, phun thuốc, rải phân, thổi lá cao su để chống cháy mùa khô…
Nên anh Lĩnh luôn trăn trỡ, tìm tòi cách làm mới cho vườn cao su của gia đình; hiệu quả, mà bớt tốn kém chi phí, giảm lao động chân tay…
Bắt đầu là cái máy bơm mủ cao su. Anh Nguyễn Văn Lĩnh cho biết: "Tôi thấy việc chuyển mủ cao su lên xe bồn tốn quá nhiều công sức. Mủ cao su lỏng, có độ nhớt, đặc, độ dính cao, nên rất khó bơm. Máy trước khi bơm hay bị tắc nghẽn, hỏng phốt… Thế là tôi nảy ra ý tưởng chế tạo loại máy bơm mủ cải tiến. Sau thời gian tìm tòi, mày mò, tìm cách xử lý các vướng mắc; kết quả, loại máy do tôi chế tạo, khi hút mủ đã không còn làm bơm dính cặn và không hỏng phốt".
Hiện nay, máy bơm do anh Lĩnh sáng chế đã được nhiều đơn vị, cá nhân tin dùng. Ưu điểm của máy là giảm thiểu được sức lao động của con người, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người sử dụng.
Doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Lĩnh (thứ 2, trái qua) nhận giải Top 3 Vietnam Innovention 2023. Ảnh: T.L
Từ năm 2019 đến nay, anh Lĩnh đã bán được hàng trăm máy bơm mủ cao su cho các nông trường cao su, công ty ở tỉnh Bình Phước.
Máy bơm mủ có công suất lớn, chỉ cần 4 công nhân vận hành, với thời gian vài phút, máy đã bơm được một tấn mủ. Máy bơm mủ cao su của anh Nguyễn Văn Lĩnh có nhiều công suất khác nhau, tùy theo điều kiện có thể sử dụng điện hoặc xăng để chạy máy.
Chưa hết, Nguyễn Văn Lĩnh cón nổi tiếng với sáng chế máy phun xịt "5 trong 1". Năm 2013, anh Lĩnh mua các bộ phận riêng lẻ của các loại máy nông nghiệp như: máy phát, ống sắt, quạt gió, dây điện...
Sau đó, anh Lĩnh tự mày mò, lắp ráp thành máy có 2 chức năng là phun thuốc cỏ và phun cao (phun trừ sâu trên cây cao su, điều).
Theo đó, máy do anh Lĩnh thiết kế có khả năng phun cao ở chế độ tĩnh tối đa 35m và máy phun cao ở chế độ tự động được 25 - 30m, tầm hoạt động rộng 10m2. Ở chế độ phun xa, tầm hoạt động của máy lên đến trên 300m2.
Chỉ cần 1 bồn nước 500 lít, tùy vào địa hình, khoảng trong vòng 1 tiếng đồng hồ máy có thể phun từ 3 - 4 ha cao su, so với máy thông thường tiết kiệm được 50% lượng nước và thuốc sử dụng, thời gian phun cũng được rút ngắn hơn 40%.
Không dừng lại ở 2 ứng dụng là phun cao và phun xa, để phát huy hết công năng của máy, anh Lĩnh tiếp tục mày mò nghiên cứu, cải tiến một số bộ phận; tiếp tục sáng chế, để máy có thêm các công năng như: thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân…
Từ chiếc máy chỉ có 2 công năng, qua mày mò sáng tạo, anh Lĩnh đã tạo ra chiếc máy làm tới 5 công năng (từ đó mới có tên gọi "5 trong 1").
Anh Lĩnh cho biết, hiện nay với ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây cao su, chiếc máy này trong 1 giờ có thể phun được 3 ha điều hoặc cao su, trên mọi địa hình bằng phẳng hay dốc... Việc phun dạng phun sương không chỉ giúp người dân tiết kiệm nước, thuốc mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hơn so với các loại máy khác. Trung bình 1 năm, chiếc máy của anh Lĩnh phục vụ hơn 1.000 ha điều, cao su...
Anh Nguyễn Văn Lĩnh đang chế tạo chiếc máy bơm mủ cao su. Ảnh: T.T
Theo anh Lĩnh, anh đã đầu tư mua thêm các loại máy móc để tiếp tục sáng chế máy bón phân tự động; cũng như cải tiến, chế tạo thêm từ 2-4 phiên bản máy phun "5 trong 1" để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Từ các thiết bị máy móc thô sơ, dù không trải qua trường lớp kỹ thuật nào, nông dân Nguyễn Văn Lĩnh đã tự tìm tòi học hỏi, cải tiến sáng tạo các loại máy móc nông nghiệp đa chức năng.
Các máy móc do anh Lĩnh sáng chế đã giúp cải thiện năng suất, giải phóng sức lao động, bảo vệ sức khỏe của người nông dân, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người sử dụng.
Vì thế, nông dân Nguyễn Văn Lĩnh được người dân TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước yêu mến, gọi anh là "kỹ sư" nông dân không bằng cấp".
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Phước: Các sản phẩm do hội viên Nguyễn Văn Lĩnh chế tạo hiện đang được bà con nông dân ở hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước và một số nước như Lào, Campuchia... sử dụng, với giá thành từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy loại máy.
Máy phun xịt "2 trong 1" đang phun thuốc trừ sâu do anh Lĩnh sáng chế đang vận hàng tại một vườn cao su ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.T.
Năm 2023, Công ty TNHH Chế Tạo Máy Lĩnh (do anh Nguyễn Văn Lĩnh làm giám đốc) đã được vinh danh trong Top 3 Vietnam Innovation Hub Award 2023 - Giải thưởng đổi mới sáng tạo năm 2023.
Tất cả sản phẩm do hội viên Nguyễn Văn Lĩnh chế tạo đều có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và đạt thứ hạng cao trong nhiều Hội thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh Bình Phước và TP. Đồng Xoài tổ chức.
Riêng thiết bị dùng để bơm chất lưu có độ nhớt (máy bơm mủ cáo su) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2023.
Hoàng HưngNguồn: Báo Dân Việt
Bài viết khác
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
- Mô hình kinh tế hữu cơ cà phê - điều cho thu nhập cao
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |