Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản liên vùng

  1. Ngày đăng: 30-11-2021 16:10:42
  2. Lượt xem: 522
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 522 Lượt xem

(20/10/2021) Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản liên vùng

Đề án thí điểm tập trung xây dựng đối với các nông sản chủ lực: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây được triển khai 11 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 158.300 ha.
thi diem xay dung vung nguyen lieu nong lam thuy san lien vung
Hội nghị tham vấn nội dung Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Sáng 20/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tham vấn nội dung Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025.

Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây ở một số vùng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Tuy nhiên, sự phát triển các vùng nguyên liệu nông sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết; việc gắn kết với các nhà máy chế biến còn hạn chế, bị cắt khúc bởi giới hạn địa giới hành chính. Hay, nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng...

Vì vậy, việc phát triển các vùng nguyên liệu gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài là rất cần thiết để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tất cả các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng ở vùng nguyên liệu này sẽ đảm bảo đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và  xuất khẩu. Đề án không có sự giới hạn ở một tỉnh mà tạo sự liên kết vùng.

Đề án thí điểm tập trung xây dựng đối với các nông sản chủ lực như: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây được triển khai trên địa bàn thuộc 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Hoà Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắc Lắc, Kiên Giang, An Giang với tổng diện tích 158.300 ha.

Cụ thể, xây dựng 74.200 ha cây ăn quả tại Sơn La, Hoà Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An; 22.900 ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; 11.200 ha cà phê tại Gia Lai, Đắc Lắc; 50.000 ha lúa gạo tại Kiên Giang, An Giang. Đề cũng có sự tham gia của 17 doanh nghiệp, 250 hợp tác xã nông nghiệp và 185.000 hộ nông dân.

Đề án chia làm 3 hợp phần là, đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông. Đề án có tổng kinh phí thực hiện hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 32%; địa phương chiếm 26,5%; các hợp tác xã, doanh nghiệp đối ứng 26,48%, còn lại 6,31% là vốn tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động theo chuỗi nông sản cho rằng, đề án là động lực để doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư cả sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các loại nông sản chủ lực của Việt Nam.

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, doanh nghiệp đã từng tham gia cánh đồng lớn nhưng vẫn có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế nên việc triển khai chưa hiệu quả. Nếu doanh nghiệp được sự hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu thì sẽ đồng hành phát triển hơn nữa.

Thông qua đề án này, doanh nghiệp mong muốn tăng cường kết nối với các vùng nguyên liệu liên vùng về những sản phẩm chủ lực trong thời gian tới như: sầu riêng, xoài, nhãn, mít. Doanh nghiệp đang triển khai dự án cánh đồng lớn về lúa gạo, đây sẽ là tiền đề để cho doanh nghiệp mạnh dạn và tự tin tham gia vào những chuỗi hệ thống siêu thị lớn trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đều đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Đề án của các địa phương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên hệ và trao đổi thông tin trong quá trình kết nối với vùng nguyên liệu. Các địa phương, doanh nghiệp cũng thống nhất cao việc thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tư vấn xây dựng hợp tác xã…

Với vùng sản xuất lúa, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang góp ý, đề án cần đầu tư silo sấy và bảo quản lúa, đồng thời có thể tạm trữ lúa khi giá giảm sâu. Silo này cần có sự đầu tư công và quản lý tư bằng cách đấu thầu để doanh nghiệp quản lý vận hành.

Với vấn đề xây dựng silo lúa, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhất trí cao. Thứ trưởng cũng cho biết, triển khai mô hình điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các địa phương một phần để đảm bảo được hạ tầng vùng sản xuất, tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu.

Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Bộ chủ yếu về cơ sở hạ tầng thì nguồn lực chính vẫn là xã hội hóa. Cùng với đó là định hướng cùng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đạt tiêu chuẩn./.

Bích Hồng
Nguồn: BNEWS/TTXVN

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin