Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu dễ bị lừa?
- Ngày đăng: 06-09-2023 15:26:46
- Lượt xem: 1.480
(06/9/2023) Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu dễ bị lừa?
Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý bị lừa đảo chưa kịp nguội thì mới đây, 5 lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi... xuất khẩu sang Dubai (UAE) của doanh nghiệp Việt Nam bị nghi lừa đảo và đang có nguy cơ mất trắng. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước về vấn đề này.
Ông Vũ Thái Sơn - Ảnh: Dân Việt
*Thời gian qua, liên tục xảy ra việc doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản bị lừa đảo, mất hàng, thiệt hại rất lớn, vì sao lại có nhiều trường hợp lừa đảo doanh nghiệp như vậy?
-Ông Vũ Thái Sơn: Doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa với hình thức chủ yếu là bị lấy mất bộ vận đơn gốc, thủ đoạn là yêu cầu sau khi đặt cọc (khoảng 10 hoặc 15%) giá trị hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ xuất hàng, phần còn lại được thanh toán theo hình thức nhờ thu. Người mua thường yêu cầu người bán lập vận đơn giao hàng cho đích danh người nhận hàng hoặc thực hiện theo lệnh để trống (to order/to order blank endorsed), sau đó yêu cầu người bán gửi vận đơn gốc cho ngân hàng bên người mua để nhờ thu. Người mua sẽ yêu cầu người bán cung cấp số vận đơn của công ty phát chuyển nhanh (thường là DHL, Fedex….) mà ngân hàng nhờ thu gửi vận đơn và bộ chứng từ cho ngân hàng nước ngoài. Dựa vào số vận đơn (airway bill number) của bộ chứng từ đó người mua (kẻ lừa đảo) sẽ nắm được lịch trình di chuyển của bộ vận đơn gốc để tìm cách chiếm bộ chứng từ gốc trước khi đến tay ngân hàng.
Trong một số trường hợp, họ cố tình để ngân hàng nhờ thu ở địa điểm xa xôi, các công ty phát chuyển nhanh buộc phải gửi tiếp cho các công ty bưu điện nội địa nước sở tại chuyển tiếp, lúc này thì họ càng dễ chiếm đoạt bộ chứng từ do có tay trong ở các công ty bưu điện nội địa. Doanh nghiệp bị lấy mất hàng dù trong tay vẫn nắm giữ đầy đủ bộ vận đơn gốc thường xảy ra với các trường hợp vận chuyển đa phương thức như đường biển kết hợp đường bộ hoặc đường sắt. Trường hợp này xảy ra chủ yếu do nghiệp vụ chuyên môn của đại lý vận chuyển đầu Việt Nam yếu, không áp dụng các biện pháp kiểm soát cần thiết khi lô hàng được chuyển từ đường biển sang đường bộ hoặc đường sắt, dẫn tới mất kiểm soát đối với lô hàng.
*Thủ đoạn lừa đảo quốc tế nếu chỉ bằng hình thức thanh toán này thì quá đơn giản, vậy tại sao vẫn nhiều doanh nghiệp sập bẫy, thưa ông?
-Khi nhận hàng từ người xuất khẩu, đại lý vận chuyển đầu Việt Nam sẽ phát hành bộ vận đơn vận chuyển đa phương thức (người nhận hàng bắt buộc phải xuất trình vận đơn gốc này để nhận hàng), sau đó đại lý Việt Nam sẽ làm việc với hãng tàu để vận chuyển hàng bằng đường biển.
Do hàng tới cảng đến, sẽ được chuyển tiếp sang loại hình vận chuyển khác (đường bộ/hoặc đường sắt) vận chuyển tới địa điểm giao hàng, vì vậy đại lý Việt Nam chủ quan (hoặc nghiệp vụ yếu) nghĩ rằng chưa cần áp dụng biện pháp kiểm soát khi chuyển giao hàng, nên yêu cầu hãng tàu phát hành seaway bill (giấy vận chuyển đường biển) thay vì yêu cầu phát hành loại vận đơn phải xuất trình khi chuyển giao hàng. Do sử dụng seaway bill nên hãng tàu sẽ tự động giao hàng cho người có tên trên seaway bill, tức người nhận hàng không phải xuất trình hoặc làm bất cứ thủ tục gì, vì vậy đại lý Việt Nam mất kiểm soát lô hàng từ thời điểm này.
Do người nhận hàng để vận chuyển tiếp bằng đường sắt hoặc đường bộ không bị kiểm soát, ràng buộc gì, vì vậy có thể sẽ xảy ra trường hợp người giao chứng từ thông đồng với người nhận hàng cuối cùng để chiếm đoạt hàng hóa của nhà xuất khẩu. Tự ý giao hàng cho người nhận hàng cuối cùng mà bỏ qua các thủ tục bắt buộc phải xuất trình vận đơn gốc.
*Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp ngành điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung để tránh bị lừa đảo, mất hàng, mất tiền như các trường hợp nói trên?
-Đối với các lô hàng xuất nhờ thu qua ngân hàng, nhà xuất khẩu không nên sử dụng vận đơn đích danh người mua hoặc vận đơn "to order" thực hiện theo lệnh để trống, mà nên sử dụng vận đơn theo lệnh ngân hàng người mua. Trong trường hợp nhóm lừa đảo lấy được vận đơn gốc thì nhóm lừa đảo không thể lấy hàng được, mà phải trình vận đơn cho ngân hàng người mua để ký hậu thì mới nhận được hàng.
Lúc này, ngân hàng người mua sẽ yêu cầu đảm bảo nguồn tiền thanh toán thì họ mới ký hậu. Nếu có dấu hiệu lừa đảo hoặc không đảm bảo được nguồn tiền thanh toán, ngân hàng người mua sẽ từ chối ký hậu vận đơn, kẻ lừa đảo sẽ không nhận được hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên cung cấp mã số vận đơn (airway bill number) của bộ chứng từ được phát chuyển nhanh cho người mua, để người mua không thể biết được lịch trình đi của bộ chứng từ mà tìm cách chiếm đoạt.
Đối với các lô hàng vận chuyển đa phương thức thì đại lý vận chuyển đầu xuất hàng Việt Nam không nên yêu cầu hãng tàu phát hành vận đơn dạng seaway bill, mà phải sử yêu cầu hãng tàu phát hành vận đơn xuất trình, đích danh người nhận hàng. Để lấy hàng vận chuyển tiếp bằng đường sắt (đường bộ), người nhận hàng phải xuất trình cho hãng tàu bộ vận đơn gốc (master bill) mà đại lý vận chuyển Việt Nam đã phát hành cho người xuất hàng.
Một số đại lý vận chuyển Việt Nam cũng đang nhầm lẫn là nếu xuất khẩu hình thức FOB thì trách nhiệm của đại lý vận chuyển đối với lô hàng chỉ đến khi hàng được giao cho nhà vận chuyển đầu tiên, tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì đại lý vận chuyển phải chịu trách nhiệm cho đến khi hàng được giao cho người nhận hàng hợp pháp.
*Thực tế, đa số doanh nghiệp xuất khẩu điều hiện nay luôn muốn mở rộng nguồn khách hàng, trong đó không ít trường hợp thông qua nhà môi giới mà không biết rõ người mua là ai, dẫn đến bị lừa đảo. Làm thế nào để hạn chế rủi ro thấp nhất khi xuất khẩu qua trung gian như vậy?
-Đối với người mua mà mình chưa biết rõ, mới làm ăn với họ thì nên chọn phương thức thanh toán đặt cọc 10 - 15% sau khi ký hợp đồng và thanh toán trước khi giao hàng. Cần phải đàm phán yêu cầu họ thanh toán hết mới giao hàng, hoặc cho container vào cảng và không chất lên tàu, chờ họ thanh toán nốt cho mình thì mới chất hàng lên tàu. Hoặc khi hàng đã lên tàu, mình giữ lại bộ chứng từ gốc, không gửi cho ngân hàng của khách hàng. Sau khi khách hàng thanh toán xong thì mình mới gửi bộ chứng từ cho khách hàng.
Quang Thuần
Nguồn: Báo Thanh Niên
Bài viết khác
- Hội nghị tọa đàm hệ sinh thái tận dụng các FTA
- Nhà xây 600 triệu, vừa trả nợ xong thì đổ do mưa bão số 3
- Campuchia đứng đầu trong các nước cung cấp hạt điều cho Việt Nam
- Đình công tại bờ Đông Hoa Kỳ có thể làm gián đoạn vận tải toàn cầu
- VINACAS và các doanh nghiệp ngành điều tặng 170 triệu đồng vùng mưa lũ tại Yên Bái
- Giá hạt điều xuất khẩu liên tục tăng trở lại
- Không phải gạo, loại ’hạt vàng’ này của Việt Nam được gần 1/2 thế giới chốt đơn: Mỹ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng, giá lên đỉnh từ đầu năm
- Xuất khẩu hạt điều kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng
- Thị trường nông sản Ấn Độ đang chờ doanh nghiệp Việt Nam
- Hiệp hội Điều Việt Nam nêu lý do chưa mua bán mạnh với Guinea-Bissau
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |