Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
- Ngày đăng: 09-09-2024 14:35:38
- Lượt xem: 166
(05/9/2024) Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 05 tháng 9 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định Số 2998/QĐ-BNN-CCPT về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do".Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án SPS
Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 534/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do" (sau đây gọi tắt là Đề án SPS).
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tăng cường thực thi các quy định SPS tại TP.HCM ngày 02/8/2024.
Để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05 tháng 9 năm 2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định Kế hoạch triển khai Đề án, theo đó Bộ NN&PTNT giao Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Bộ, các bộ, ngành có liên quan, địa phương và hiệp hội ngành hàng tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo và tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Văn phòng SPS Việt Nam hàng năm báo cáo tình hình triển khai, kết quả triển khai các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án. Theo đó, đến năm 2027, Văn phòng sẽ tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án, tới năm 2030 sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án.
Bộ NN&PTNT giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ trì, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ và căn cứ Kế hoạch chủ động rà soát nhiệm vụ và kinh phí triển khai trình đơn vị có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.
Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao căn cứ mục tiêu, nội dung của Đề án SPS; tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan tại địa phương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân để triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, định kỳ trước ngày 12 tháng 12 hàng năm báo cáo Bộ NN&PTNT (qua Văn phòng SPS Việt Nam) về tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả triển khai, nhiệm vụ hoàn thành, nhiệm vụ chưa hoàn thành, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai Đề án SPS nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do. Ảnh minh hoạ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội dung của Đề án SPS
Nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan đến thực hiện Đề án SPS, từ năm 2025 - 2030, hàng năm Văn phòng Bộ NN&PTNT phối hợp Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp của Bộ cùng các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết nội dung tuyên truyền về Đề án, bao gồm các tin, bài viết, phóng sự chuyên đề đăng tải trên các báo, đài; sản xuất và đăng tải các video, clip, phóng sự truyền hình, phát thanh; tổ chức Chuyên trang trên Cổng thông tin của Bộ (mard.gov.vn); Tổ chức họp báo/Thông cáo báo chí… định kỳ và đột xuất.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn, truyền thông tổ chức thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các cam kết SPS trong các Hiệp định thương mại tự do.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS tại tỉnh Thái Bình, ngày 18/6/2024.
Văn phòng SPS Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động, xuất bản Bản tin SPS Việt Nam hàng tháng nhằm cập nhật kịp thời các quy định SPS của thị trường nhập khẩu và các giải pháp thích ứng. Văn phòng SPS Việt Nam cũng cần xây dựng giáo trình và đưa nội dung đào tạo về SPS trong thương mại và các nội dung kỹ thuật về SPS và các vấn đề liên quan vào các chương trình đào tạo.
Cùng với đó, Cổng thông tin điện tử quốc gia về SPS sẽ được xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự thảo thông báo, cảnh báo và cập nhật các biện pháp SPS theo từng ngành hàng và theo từng thị trường. Theo đó, từ năm 2025 hoàn thành cổng thông tin điện tử về SPS, tăng cường cập nhật ngành hàng, thị trường, dữ liệu SPS hàng tháng và tương tác với các bên liên quan. Tổ chức tọa đàm, đối thoại chính sách, đăng tin bài đăng trên các cơ quan thông tấn, truyền thông, các nền tảng Tiktok, YouTube, Facebook và xây dựng bộ nhận diện Văn phòng SPS Việt Nam, truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ NN&PTNT cũng giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các hội thi tuyên truyền về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong giai đoạn 2025 - 2030. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan. Xuất bản tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Việt và ngôn ngữ dân tộc thiểu số (tờ gấp, sách mỏng, sách nói…) hướng dẫn về đáp ứng các biện pháp SPS trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SPS
Giai đoạn 2025 - 2030, Bộ NN&PTNT giao Vụ Pháp chế hàng năm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo rà soát và danh mục hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về SPS. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi và tổ chức triển khai theo dõi thi hành pháp luật từ trung ương đến địa phương trong thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án. Tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm. sinh vật gây hại và dịch bệnh.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường từ năm 2026 -2030 cần thường xuyên đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật, thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật và hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phòng thí nghiệm... làm cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Triển khai Đề án, giai đoạn 2026 -2030, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật, thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật... Ảnh minh hoạ
Các Cục Bảo vệ Thực vật; Thú y; Chăn nuôi; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức báo cáo đánh giá mức độ chuẩn hóa của hệ thống quy định của Việt Nam theo tiêu chuẩn, khuyến nghị quốc tế và mức độ các kiểm định tương đương của Việt Nam đáp ứng quy định SPS của các thị trường trọng điểm.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng giao nhiệm vụ cho các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm, Học viện, Trường… trực thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Hài hoà với các Tiêu chuẩn Quốc tế về SPS; Kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm, xét nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nhận lẫn nhau về SPS; xây dựng, ban hành quy trình, thủ tục đánh giá và công nhận lẫn nhau về SPS theo các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến nghị quốc tế và Ủy ban SPS của WTO...
Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam được tiếp tục kiện toàn. Năng lực cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam sẽ được nâng cao. Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan về: Kiểm nghiệm, kiểm chứng an toàn thực phẩm; đánh giá nguy cơ và quản lý dựa trên nguy cơ; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; Điều tra, truy xuất, xử lý sự cố an toàn thực phẩm; phát triển các điểm hỏi đáp SPS và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội tại địa phương.
Bộ NN&PTNT rà soát và sửa đổi Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa Văn phòng SPS Việt Nam với các điểm hỗ trợ kỹ thuật tại các bộ, ngành cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định SPS của WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần xây dựng, ban hành cơ chế điều phối giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong mở cửa thị trường nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm. Ảnh minh hoạ
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng, ban hành cơ chế điều phối giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong mở cửa thị trường nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm; đề xuất bổ sung hoạt động phối hợp về lĩnh vực SPS vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao… Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao năng lực đàm phán, giải quyết tranh chấp thông qua việc xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là thông báo các quy định mới, các biện pháp SPS, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải thích về yêu cầu đối với biện pháp SPS áp dụng... với các nước thành viên WTO, các đối tác thương mại./.
Bảo MinhNguồn: Tạp chí Nông Thôn Mới
Bài viết khác
- Rà soát, cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất thực phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc trên CIFER (Công văn số 2028/BVTV-ATTPMT của Cục Bảo vệ Thực vật)
- Chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ năm 2030
- Chế độ doanh nghiệp ưu tiên là sự hỗ trợ tuyệt vời đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp
- Đáp ứng EUDR để không lỡ cơ hội xuất khẩu vào EU
- Tranh chấp thương mại quốc tế doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài
- Thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu từ kho ngoại quan mới nhất
- Cục Hải quan TP.HCM nói gì về việc tạm hoãn xuất cảnh để đòi nợ thuế?
- Hải quan TP.HCM đề nghị doanh nghiệp để lại thông tin liên lạc khi gửi thắc mắc
- Các yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu hạt điều vào thị trường Bắc Âu
- Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động: Ai phải thực hiện? Gồm nội dung gì?
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |