Doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh do quy định tăng cường vi chất vào thực phẩm
- Ngày đăng: 16-07-2024 10:41:35
- Lượt xem: 230
(15/7/2024) Doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh do quy định tăng cường vi chất vào thực phẩm
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đứng trước nguy cơ giảm năng lực cạnh tranh của hàng nội địa và xuất khẩu, vì giá thành hàng nhập khẩu thấp hơn, do không phải tốn kém tăng cường iot, sắt, kẽm, khiến hàng Việt nam thua ngay trên sân nhà.Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T.D |
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm", do Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hội sản xuất nước mắm TP. Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đồng tổ chức ngày 15/7.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, ngày 29/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm".
Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng thực phẩm vô cùng quan ngại và gặp nhiều khó khăn suốt gần 8 năm qua đối với cả chế biến thực phẩm cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Quy định này lại thiếu hiệu quả trong cải thiện vi chất cho người dân và đang đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng đủ và thừa vi chất.
Sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 15/5/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng bãi bỏ quy định trên. Thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng, không bắt buộc bổ sung.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành thực phẩm đã rất bất ngờ và thất vọng với dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế. Cụ thể là dự thảo hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của Nghị định 09, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Thế Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp phải dùng i-ốt trong chế biến sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp về mặt kỹ thuật như thất thoát muối i-ốt: nhiều loại thực phẩm dùng muối i-ốt, khi chế biến đưa lên nhiệt độ cao đều thất thoát quá nhiều muối i-ốt, thậm chí không còn muối i-ốt trong thành phẩm, chẳng hạn đồ hộp, mì gói, xúc xích tiệt trùng. Nói chung là không hiệu quả.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.D |
Mất lợi thế xuất khẩu
Đặc biệt, quy định này gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong 8 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam bị ép dùng muối i-ốt khi chế biến thực phẩm, trong khi nhiều nước cấm thực phẩm có bổ sung i-ốt. Ví dụ Nhật Bản, Australia… yêu cầu các doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới xuất khẩu được.
Doanh nghiệp buộc phải lựa chọn phương án vừa sản xuất hàng xuất khẩu và hàng nội địa trên cùng một dây chuyền sản xuất (không còn bất kì lựa chọn nào tối ưu hơn) và phải đảm bảo tuyệt đối tránh nhiễm chéo khi các thị trường xuất khẩu không yêu cầu bổ sung vi chất, gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn.
Chia sẻ từ thực tế doanh nghiệp, ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, công ty luôn tuân thủ thực hiện đúng theo quy định kể từ khi Nghị định này được ban hành.
Tuy nhiên, công ty đã và vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là chi phí phát sinh trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu… qua đó mất thêm 13,5 tỉ đồng/năm.
Nhưng một vấn đề pháp lý mới đối với hàng xuất khẩu từ thực tế của Acecook Việt Nam. Cụ thể, mì Hảo Hảo là nhãn hiệu chủ lực, chiếm thị phần số một tại thị trường nội địa và được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia, mang lại doanh thu xuất khẩu ở mức 40 triệu USD mỗi năm. Trong tầm nhìn dài hạn của công ty Nhật Bản là trong những thị trường xuất khẩu chiến lược nhưng tại Nhật Bản, i-ốt lại không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng dựa theo Luật An toàn Thực phẩm của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ, thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản.
Do đó, mì Hảo Hảo xuất đi Nhật Bản buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và phải tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa. Điều này khiến hiệu suất sản xuất Hảo Hảo xuất khẩu Nhật Bản không cao, tăng thêm nhiều chi phí.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) cho rằng, quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng mang lại cho người tiêu dùng không rõ ràng. Điều này vừa làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định còn làm giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, tại hội thảo các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 09 sửa đổi, không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp. Khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp.
Thu DịuNguồn: Báo Hải Quan
Bài viết khác
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài cuối)
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài 2)
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài 1)
- Đồng Nai: Doanh nghiệp xuất khẩu làm sản phẩm OCOP
- 5 loại hạt ăn thường xuyên giúp phụ nữ trẻ lâu
- Tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ lúa, dừa, điều
- Lý do hạt điều được coi là “thần dược” với phái đẹp
- Lạ miệng với điều tươi cuốn thịt luộc mắm cá trèn
- Dữ liệu đầu tiên về cộng đồng vi khuẩn nội sinh của cây điều tại Tây Nguyên
- Nông sản xuất khẩu 2024: Hạt điều hướng tới thị trường thực phẩm lành mạnh
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |