Việt Nam là nhà cung cấp điều số 1 cho Mỹ và Trung Quốc

  1. Ngày đăng: 24-08-2022 11:28:08
  2. Lượt xem: 684
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 684 Lượt xem

(23/8/2022) Việt Nam là nhà cung cấp điều số 1 cho Mỹ và Trung Quốc

Xuất khẩu hạt điều trong nửa đầu năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn do tiêu thụ giảm, đơn hàng ít,...Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn giữ được vai trò quan trọng tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.
viet nam la nha cung cap dieu so 1 cho my va trung quoc
Hình minh họa

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong tháng 6/2022, xuất khẩu hạt điều ước đạt gần 285 triệu USD, giảm 6,9% về sản lượng và 6,5% về trị giá so với tháng 5/2022. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu hạt điều ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là nhà cung cấp điều số 1 cho Mỹ và Trung Quốc, thị phần hạt điều của Việt Nam tại hai thị trường này đều đi lên.

Cụ thể, số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết 6 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu đạt 80 nghìn tấn hạt điều, tương đương 521 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt trên 72 nghìn tấn, trị giá 466 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 88,3% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 89,9% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ngược lại, thị phần hạt điều của Brazil và Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ giảm, lần lượt từ 3,8% và 1,9% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 2,2% và 1% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Còn theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của thị trường này trong 6 tháng đầu năm đạt 141,5 triệu USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc với 125 triệu USD, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 83,7% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 88,2% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, thị phần hạt điều của Mianma trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 6,4%; Togo chiếm 3,3%; Bờ Biển Ngà chiếm 1,8% trong 6 tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm nay tiêu thụ nhân điều rất khó khăn do những ảnh hưởng từ các thị trường đích đến. Hiện lạm phát tại các quốc gia đã đạt ở mức rất cao so với thời kỳ trước đó.

Với việc giá cả các mặt hàng đều đắt đỏ như hiện nay, người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu, điều này dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều sẽ tiêu thụ chậm và giá điều cũng rất khó tăng trong thời điểm này. 

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tại Hoa Kỳ đã cán mốc 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Đặc biệt đối với EU, tỷ lệ lạm phát tiếp tục gia tăng rất cao trong tháng 5 và tháng 6/2022.

Đại diện VINACAS cho biết những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, đang ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2021 Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam với giá trị xuất khẩu gần 62 triệu USD. Từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn khâu thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này.

Trong khi đó, thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid" khiến việc xuất khẩu nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi tại thị trường Trung Quốc.

Duy Anh (T/h)
Nguồn: Tạp chí Thương trường

 

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin