Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển: Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Thụy Điển
- Ngày đăng: 04-12-2024 14:18:02
- Lượt xem: 749
(03/12/2024) Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển: Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Thụy Điển
Trước việc Thụy Điển vừa thông báo thu hồi hạt điều nghi chứa mảnh thủy tinh nhỏ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, ngày 3.12, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đưa ra thông tin lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang thị trường này.
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, siêu thị Coop, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Thụy Điển, vừa thông báo thu hồi hai loại hạt điều thuộc thương hiệu X-tra do lo ngại có thể chứa mảnh thủy tinh nhỏ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sản phẩm bị thu hồi là hạt điều X-tra tự nhiên, 500g, hạn sử dụng 21.4.2025 (mã SC1771176) và hạn sử dụng 28.4.2025 (mã SC177618); hạt điều X-tra rang muối, 400g, hạn sử dụng 12.5.2025 (mã SC178931) và hạn sử dụng 19.5.2025 (mã SC179080).
Hiện, Coop đã ngừng bán các sản phẩm bị ảnh hưởng và yêu cầu khách hàng trả lại hàng hóa hoặc hóa đơn để được hoàn tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn ITN
Mặc dù các sản phẩm bị thu hồi không phải đến từ Việt Nam, nhưng theo Cơ quan Thương vụ, sự cố này là lời cảnh báo quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định chất lượng quốc tế.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, trước tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế. Bởi thị trường Thụy Điển và EU có yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn đến thu hồi sản phẩm và gây thiệt hại lớn.
Nếu bị thu hồi sản phẩm, sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của hàng hóa Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường khó tính như châu Âu, Cơ quan Thương vụ cảnh báo.
Tiếp đến, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, gồm: rà soát kỹ quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói; áp dụng các biện pháp kiểm tra hiện đại để bảo đảm sản phẩm không chứa dị vật hay bất kỳ yếu tố nào có thể gây nguy hiểm.
Trong trường hợp xảy ra sự cố, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp nhanh chóng với đối tác và cơ quan quản lý để xử lý, giảm thiểu tác động đến hình ảnh và uy tín.
Cơ quan Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đầu tư vào kiểm định chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn. Cùng với đó, cần tìm hiểu kỹ quy định nhập khẩu của thị trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; xây dựng kế hoạch phòng ngừa khủng hoảng để nhanh chóng ứng phó nếu xảy ra sự cố liên quan đến sản phẩm.
Đ. ThanhNguồn: Báo Đại biểu Nhân dân
Bài viết khác
- Thực phẩm xuất khẩu sang EU bị cảnh báo, phó thủ tướng ra chỉ đạo
- An toàn thực phẩm cần được kiểm soát theo chuỗi
- Châu Âu áp dụng quy định mới nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
- Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là ’cơ hội vàng’, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
- Áp lực ’phải vừa xanh, vừa chuyển đổi số’ của doanh nghiệp
- Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa
- Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao
- Để sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ “nằm trên giấy”
- Xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Lâm Đồng: Kiểm tra 152.150 m2 diện tích kho chứa nông sản
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |